VÌ SAO FIMEX NGƯỢC DÒNG KẾT QUẢ KINH DOANH ẢM ĐẠM NGÀNH TÔM?

VÌ SAO FIMEX NGƯỢC DÒNG KẾT QUẢ KINH DOANH ẢM ĐẠM NGÀNH TÔM?

Xuất khẩu tôm vào EU giảm đột biến

tts-14112019-5Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu tôm Việt 9 tháng đầu năm đạt 2,4 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái bởi lượng hàng tồn kho cao tại các thị trường tiêu thụ chính cũng như nguồn tôm từ các nước xuất khẩu khác tăng khiến giá xuất khẩu thấp hơn năm ngoái.

Sau thành công của vụ nuôi tôm năm 2018, các cường quốc lớn như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia…tiếp tục có kế hoạch đẩy mạnh nguồn cung khiến giá xuất khẩu ở mức thấp. Do giá thành của Việt Nam cao hơn hẳn các đối thủ xuất khẩu khác, nên giá bán chịu áp lực giảm từ 1-1,5 USD/kg trong thời gian qua.

Cụ thể, xuất khẩu tôm Việt sang EU – thị trường tiêu thụ lớn nhất – đạt hơn 513 triệu USD, giảm 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình tôm Việt tại thị trường EU giảm khoảng 1 USD/kg nhưng vẫn cao hơn 15-20% so với tôm từ các nước Ấn Độ, Trung Quốc.

 

Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu. VASEP cho biết giá tôm Việt tại đây giảm từ 12 USD xuống 11 USD/kg, nhưng vẫn là mức giá cao nhất trong số các nhà xuất khẩu vào Mỹ. Ấn Độ hiện chiếm thị phần tôm lớn nhất tại Mỹ với giá bán chỉ còn 8,6 USD/kg.

Xuất khẩu tôm Việt sang Nhật Bản vẫn ổn định nhưng giá bán bình quân đã giảm từ 12 USD xuống 11 USD/kg, khiến giá trị giảm 1,9% còn 445 triệu USD.

 tts-14112019-1

Nguồn: VASEP.

 

Cùng với việc giá bán giảm, các doanh nghiệp còn chịu áp lực từ việc thiếu hụt nguyên liệu cho chế biến. Vì vậy, một số doanh nghiệp Việt báo kết quả kinh doanh kém khả quan. Doanh thu xuất khẩu của Minh Phú giảm 3 tháng liên tiếp theo mức độ tăng dần, tháng 7 giảm 3%, tháng 8 giảm 20% và tháng 9 giảm 34%. Thị trường chủ lực Mỹ (chiếm trên 40% doanh thu của Minh Phú mỗi năm) ghi nhận mức giảm hơn 35% trong quý III, lợi nhuận công ty mẹ giảm 54% trong quý III.

Một doanh nghiệp ngành tôm khác là Camimex Group ghi nhận doanh thu thuần giảm 25% trong quý III, kéo theo lợi nhuận sau thuế cũng giảm 55% còn 18,6 tỷ đồng. Giữa bối cảnh đó, Thực phẩm Sao Ta (Fimex, HoSE: FMC – một thành viên của The PAN Group) là điểm sáng khi tiêu thụ tôm 9 tháng đạt 10.935 tấn, tăng 5%. Lợi nhuận quý III tăng 30% và công ty có lãi 9 tháng hơn 168 tỷ đồng, tăng 41% nhờ chiến lược phát triển bền vững.

 tts-14112019-2

Lợi nhuận Sao Ta tăng ổn định từ đầu năm 2019

 

Chiến lược của Sao Ta

Lường trước những diễn biến khó khăn của ngành tôm năm nay, Sao Ta hạn chế các hợp đồng giá rẻ tại Mỹ, tập trung hơn vào Nhật Bản – thị trường lớn nhất trong 20 năm qua. Đặc điểm thị trường này đòi hỏi các sản phẩm có tính tỉ mỉ. Đây là lợi thế của Sao Ta nhờ trình độ chế biến cao được tiêu thụ tại nhiều nhà hàng lớn, thương hiệu uy tín và nhiều sản phẩm chế biến sâu phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Sao Ta xác định hàng giá trị gia tăng là xu thế tất yếu, trong đó tôm bao bột (bán vào Nhật Bản và Mỹ) và tôm luộc có triển vọng tăng trưởng tốt nhất.

“Thị trường chủ lực năm 2018 của Fimex là EU và thực tế đã phân phối thành công, giúp công ty ghi nhận kết quả khả quan nhất từ khi thành lập. Năm 2019, Sao Ta xác định tập trung cho thị trường Nhật Bản nhờ lợi thế về thương hiệu tốt và sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng Nhật”, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Sao Ta chia sẻ.

Doanh nghiệp thủy sản ngày nay luôn cần đa dạng hóa thị trường, tránh “bỏ trứng vào một rổ” để giảm rủi ro đồng thời cũng tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Đối với Sao Ta, ban lãnh đạo công ty duy trì tỷ trọng cân bằng với 3 thị trường lớn nhất là châu Âu (EU), Nhật Bản và Mỹ thay vì tập trung vào chỉ một thị trường. Song song đó, doanh nghiệp cũng thăm dò và phát triển các thị trường tiềm năng khác như Hàn Quốc, Australia…

 tts-14112019-3

Lợi nhuận 9 tháng tăng 41% đã chứng minh cho bước đi đúng đắn của Sao Ta. Ảnh: Fimex

 

Ngành tôm cũng chịu tác động từ nhiều biến số buộc các doanh nghiệp phải linh động trong chiến lược kinh doanh. Gần đây nhất là việc Mỹ áp thuế 25% với tôm Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà máy tôm bột quy mô lớn. Chủ tịch Hồ Quốc Lực cho biết công ty cũng tranh thủ cơ hội để chuyển ngay một nhà máy cá sang làm tôm bao bột trong năm 2018.

“Dù đang hưởng lợi từ thương chiến Mỹ – Trung, nhưng Sao Ta luôn có nhiều phương án nhằm giảm thiểu rủi ro, đó là phải song song tìm thêm khách hàng tôm bao bột từ các thị trường ngoài Mỹ”, Chủ tịch Sao Ta chia sẻ quan điểm.

Năm 2019, Sao Ta đề ra tăng trưởng sản lượng tiêu thụ và doanh số khoảng 10% trên cơ sở nhận định tôm nuôi sẽ không tăng mạnh vì giá đầu vụ thấp khiến người nuôi không thiết tha thả giống bởi tiền lời thấp mà rủi ro cao. Tuy nhiên, kết quả lợi nhuận vượt kế hoạch của công ty, một phần nhờ đề cao việc tăng trưởng bền vững thông qua tập trung chăm sóc vùng nuôi. Sao Ta ghi nhận thành công lớn trong vụ nuôi chính, góp phần tăng lợi nhuận chung của công ty. Trong quý IV, Sao Ta không còn hợp đồng tôm giá thấp và vụ nuôi tôm mùa mưa dù là vụ phụ, rủi ro cao nhưng cũng hứa hẹn có lợi nhuận.

Nhà máy Sao Ta hiện nay được đặt tại TP Sóc Trăng, cách vùng nguyên liệu tôm trọng điểm của tỉnh chỉ 20-30 km, thuận lợi trong việc vận chuyển sản phẩm, thu hút lao động cũng như mở rộng ngành nghề sau này. Sao Ta cũng có vùng nuôi tôm sạch rộng 190 ha đáp ứng một phần nhu cầu chế biến.

Chiếc “la bàn” từ The PAN Group

Fimex tiền thân là doanh nghiệp nhà nước thành lập năm 1995, cổ phần hóa năm 2003 và niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2006. Sau khi chính thức trở thành đơn vị thành viên của The PAN Group năm 2017, lợi nhuận doanh nghiệp năm 2017 lần đầu vượt 100 tỷ đồng và đạt kỷ lục trong năm 2018.

Chia sẻ về “mối lương duyên” với công ty nông nghiệp PAN Group, Chủ tịch Fimex nói rằng: “Sao Ta như con tàu đang lang thang trên biển lớn đã được một bạn đồng hành tặng cho cái la bàn. Từ đó đến nay, Sao Ta hoạt động bài bản hơn, đi đúng hướng trên con đường ngắn nhất. Sao Ta kỳ vọng sẽ chung tay, góp sức tốt nhất cho ngôi nhà chung PAN phát triển mạnh mẽ và bền vững”.

Trải qua 2 cuộc khủng hoảng Đông Bắc Á 1998 và khủng hoảng tài chính 2008, Sao Ta vẫn phát triển bền vững với kết quả kinh doanh luôn có lãi.

 tts-14112019-4

Doanh thu và lợi nhuận Sao Ta tiếp tục tăng mạnh khi về với PAN Group.

 

Nuôi tôm là một trong những chiến lược trọng điểm của Sao Ta đến năm 2025. Mới nhất công ty trúng thầu dự án nuôi tôm khoảng 90 ha để nâng diện tích lên 270 ha vào năm sau. Việc tổ chức nuôi tôm ngoài tự chủ nguyên liệu, còn ý nghĩa làm tăng sức thuyết phục khách hàng và nhất là tăng thu nhập chung cho Sao Ta.

Không chỉ hỗ trợ về mặt định hướng, quản trị doanh nghiệp, PAN Group mới đây còn tiếp tục rót thêm vốn vào Sao Ta để đầu tư phát triển doanh nghiệp. Sao Ta đã phát hành thành công hơn 8 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 490 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền huy động hơn 200 tỷ đồng được phân bổ cho mua nguyên vật liệu và mở rộng diện tích nuôi tôm.

Công ty đặt mục tiêu doanh số đến năm 2020 vượt 200 triệu USD và tăng gấp đôi diện tích nuôi tôm vào năm 2025 để tranh thủ mọi cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại để mở rộng quy mô kinh doanh và là nhà chế biến tôm lớn thứ 2 Việt Nam.

 

(Theo ndh.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *