Nuôi tôm nước lợ theo hướng sản xuất an toàn
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao chia sẻ, dự báo nuôi tôm nước lợ năm nay sẽ đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như: thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ, độ mặn và các yếu tố môi trường biến động bất lợi, ảnh hưởng lớn đến tôm nuôi.
Cải tạo ruộng nuôi tôm theo mô hình lúa – tôm ở xã Đông Hưng, huyện An Minh. Ảnh: Lê Huy Hải/ TTXVN
Bên cạnh đó, tác động của dịch COVID-19 làm gia tăng khó khăn cho sản xuất nuôi tôm nước lợ và hoạt động kinh doanh, chế biến xuất khẩu sản phẩm hàng hóa này. Vì vậy, kế hoạch năm nay, tỉnh triển khai thực hiện nuôi tôm nước lợ theo hướng an toàn, bền vững, hiệu quả.
Theo đó, ngành Thủy sản Kiên Giang đã xây dựng khung lịch thời vụ thích hợp với từng vùng, tiểu vùng trên địa bàn tỉnh và phối hợp với các địa phương khuyến cáo nông dân thả giống tôm theo lịch thời vụ, kiểm soát chặt chẽ vấn đề này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra do môi trường, dịch bệnh.
Tiếp đến, các huyện, thành phố trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch sản xuất nuôi tôm tại địa phương, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nuôi tôm và doanh nghiệp về thông tin thị trường tiêu thụ, giá cả, thủy lợi, khoa học kỹ thuật… Ngành chức năng tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi, cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến người nuôi tôm về môi trường, nguồn nước, cảnh báo dịch bệnh xuất hiện gây hại tôm nuôi để chủ động các biện pháp ứng phó nhanh, ngăn chặn dập tắt dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại.
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN
Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh tôm giống, thức ăn, thú y thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Cụ thể là ngành thủy sản Kiên Giang kiểm tra chặt chẽ chất lượng giống tôm nhập tỉnh và lưu thông trên thị trường để có nguồn tôm giống sạch bệnh, chất lượng cao cung ứng cho sản xuất, hướng dẫn người nuôi phương pháp phòng, trị bệnh, xử lý dịch bệnh khi xảy ra trên tôm nuôi. Đơn vị chức năng hướng dẫn người nuôi tôm đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng.
Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn nông dân kỹ thuật cải tạo ao đầm nuôi, lựa chọn tôm giống chất lượng ương dưỡng trước khi thả nuôi. Trung tâm hướng dẫn, khuyến cáo người nuôi tôm áp dụng các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tác động bất lợi của thời tiết đến nuôi tôm như: trữ nước ngọt để điều tiết độ mặn trong điều kiện nắng nóng kéo dài, nước mặn xâm nhập, kiểm soát các yếu tố môi trường trong ao đầm nuôi, duy trì mực nước ao nuôi thích hợp…
Đặc biệt, Trung tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 hoặc 3 giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi công nghệ cao và các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giúp người nuôi tôm, doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, giảm rủi ro, thiệt hại.
Đến thời điểm này, tỉnh Kiên Giang đã thả tôm giống nuôi hơn 69.700 ha, bằng 51,2% kế hoạch; sản lượng thu hoạch trên 12.385 tấn, đạt 12,6% kế hoạch năm. Từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất nuôi tôm nước lợ trên địa tỉnh khá thuận lợi, phát triển ổn định, không phát sinh ổ dịch bệnh gây hại tôm nuôi.
Nguồn: Theo baotintuc.vn |