Phòng, trị bệnh trên tôm nuôi

Phòng, trị bệnh trên tôm nuôi

Hỏi: Tôm có dấu hiệu giảm ăn, xuất hiện các sợi phân trắng nổi trên mặt ao và dồn vào góc. Hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục?

Trả lời:

Theo mô tả, tôm có thể đã mắc bệnh phân trắng. Có nhiều tác nhân và nguyên nhân gây ra bệnh nhưng thường gặp có thể là do ký sinh trùng đường ruột (trùng 2 tế bào Gregarine, vi bào tử trùng – EHP), do mật độ vi khuẩn Vibrio quá cao trong nước và trong đường ruột tôm hoặc do tôm ăn nhiều tảo độc. Đồng thời, cũng có nhiều nguyên nhân trong quá trình nuôi dẫn đến bệnh phân trắng phát sinh như: môi trường hay thay đổi, tôm bị stress, nuôi tôm với mật độ dày, dư thừa thức ăn, tích tụ nhiều chất hữu cơ trong ao, mật số vi khuẩn vibrio trong ao quá cao…

Khi phát hiện sớm bệnh với tỷ lệ bệnh thấp, bệnh nhẹ có thể tham khảo phương pháp điều trị như sau: Ngày thứ nhất, ngừng cho ăn và diệt khuẩn môi trường nước liều cao. Ngày 2 tiếp tục ngừng cho ăn. Ngày 3, cho tôm ăn lại 30 – 40% lượng thức ăn hàng ngày liên tục trong khoảng 3 ngày, đồng thời trộn thức ăn với các sản phẩm đặc trị phân trắng hoặc chế phẩm EM gốc hoặc các sản phẩm acid hữu cơ liều lượng theo hướng dẫn nhà sản xuất. Đến ngày thứ 4, bổ sung dòng vi sinh có lợi cho môi trường ao nuôi. Trong trường hợp tôm bệnh nặng (xuất hiện nhiều sợi phân trắng, tôm giảm ăn nhiều và gan tụy xấu), trước tiên, cần phải cắt cữ ăn, diệt khuẩn môi trường, sau đó 2 – 3 ngày cấy vi sinh lại ao nuôi và trộn cho tôm ăn liên tục các loại kháng sinh nằm trong danh mục được phép lưu hành hiện nay như Oxytetracycline, Trimethoprim với liều lượng 5 – 10 g/kg thức ăn. Sau 3 – 5 ngày điều trị, nếu tôm có dấu hiệu phục hồi nên ngừng sử dụng kháng sinh và trộn chế phẩm vi sinh đường ruột với liều lượng gấp đôi vào thức ăn tôm để phục hồi hệ vi sinh đường ruột. 

Hỏi: Biện pháp điều trị bệnh bệnh Taura (TSV) trên tôm thẻ chân trắng?

(Trần Hữu Hòa, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị)

Trả lời:

Tác nhân gây bệnh TSV là Picornavirus, thuộc họ Picornaviridae, virus hình cầu có 20 mặt, đường kính 30 – 32 nm. Virus ký sinh tế bào biểu mô và dưới biểu mô đuôi. Tôm nhiễm bệnh dạng cấp tính đuôi tôm chuyển màu đỏ và bệnh mãn tính có nhiều đốm nhiễm melanin do biểu bì hoại tử. Tỷ lệ chết xuất hiện liên quan đến quá trình lột vỏ. Tuy nhiên, nếu tôm sống lột vỏ được, chúng thường sinh trưởng bình thường. Bệnh do virus gây ra nên hiện chưa có biện pháp chữa trị đặc hiệu. Người nuôi cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, cụ thể:

– Chọn tôm bố mẹ có chất lượng tốt không nhiễm bệnh;

– Không vận chuyển tôm giống mật độ cao;

– Thức ăn tươi sống không hư thối và dùng nhiệt nấu chín;

– Hàng tháng bổ sung Vitamin C từ 1 – 2 đợt với liều 2 – 3 g/kg thức ăn, mỗi đợt cho tôm ăn một tuần liên tục;

– Nguồn nước cấp cho ao nuôi tôm phải được lắng lọc và khử trùng;

– Ngăn chặn không cho tôm và giáp xác khác vào ao nuôi;

– Khi phát hiện bệnh, cần vớt tôm chết ra khỏi ao. Nước ao nuôi tôm bị bệnh TSV phải xử lý bằng Chlorua vôi nồng độ cao (30 – 50 g/m3), không được xả ra ngoài. Tiến hành thu hoạch ngay nếu tôm đạt cỡ thương phẩm.

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *