Website của bạn sắp hết hạn, vui lòng nâng cấp để không bị gián đoạn trong quá trình sử dụng.

Thiếu hụt lao động, Minh Phú, CP Foods chọn áp dụng công nghệ AI, máy bay không người lái trong chăn nuôi và thủy sản

Thiếu hụt lao động, Minh Phú, CP Foods chọn áp dụng công nghệ AI, máy bay không người lái trong chăn nuôi và thủy sản

Thu nhập từ các ngành công nghiệp khác tăng lên đã gây ra tình trạng thiếu hụt lao động ở một số ngành truyền thống của nền kinh tế châu Á, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Để bù đắp cho bộ phận nông dân ngày càng thu hẹp, doanh nghiệp đang áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và máy bay không người lái để hỗ trợ sản xuất thực phẩm với giá rẻ và hiệu quả hơn.

Minh Phú triển khai công nghệ nuôi tôm mới tại Việt Nam

Tại Việt Nam, Nikkei Asian Review cho biết Tập đoàn Minh Phú đang xây dựng các bể nuôi tôm lót bạt bằng chất liệu nhựa vinyl. Nước xoáy xung quanh bể để chất thải tập trung về đáy bể, từ đó dễ dàng thoát ra ngoài. Minh Phú hiện đang xuất khẩu khoảng 65.000 tấn tôm/năm đến 50 quốc gia.

Thiết kế bể nuôi thông thường đặt toàn bộ sản lượng tôm vào nguy hiểm nếu dịch bệnh bùng phát, Nikkei dẫn lời Minh Phú cho hay. Thiết kế tiên tiến này giúp nước luôn trong lành, ngăn ngừa bệnh lây lan khắp bể.

2

Bể nuôi tôm lót bạt bằng chất liệu nhựa vinyl giúp cải thiện sức khỏe tôm nuôi của Minh Phú. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Trước đây, Minh Phú chủ yếu phụ thuộc vào sự quan sát và trực giác của công nhân và lượng thức ăn cũng như chất lượng nước thay đổi tùy theo bể nuôi, tuy nhiên hiện tại công ty đang tự động hóa quá trình chăm sóc tôm hết mức có thể để giảm thiểu mức độ khác biệt giữa các bể nuôi.

Minh Phú sử dụng công nghệ AI để tính toán lượng thức ăn tối ưu dựa trên điều kiện thời tiết và giai đoạn phát triển của tôm. Nhìn chung, hệ thống mới này dự kiến sẽ mang lại năng suất gấp ba lần so với các phương pháp truyền thống.

Vào tháng 6, công ty thương mại Nhật Bản Mitsui đã mua 35,1% cổ phần của Minh Phú. Minh Phú sẽ sử dụng nguồn vốn này để chuyển đổi hoàn toàn sang bể nuôi mới vào năm sau, đồng thời sẽ thúc giục đối tác làm điều tương tự.

Khi các nền kinh tế châu Á phát triển, ngày càng có nhiều người tham gia vào lĩnh vực sản xuất và dịch vụ thay vì nông nghiệp. Lực lượng nông dân của Trung Quốc đã giảm hơn 80 triệu người trong giai đoạn 2000 – 2010 và Đông Nam Á đang diễn ra tình trạng tương tự.

Mức lương trung bình cho một người lao động không phải quản lí tại Bangkok đã tăng 71% trong một thập kỉ lên 413 USD vào năm ngoái, theo MUFG Bank. Trong khi đó, TP HCM chứng kiến mức tăng 150% lên 242 USD/người.

CP Foods xây dựng hệ thống trang trại với công nghệ AI tiên tiến

Không thể chỉ tăng thêm nhân lực để giải quyết vấn đề, doanh nghiệp hiện nay phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ.

Hồi tháng 9, Charoen Pokphand Foods (CP Foods), công ty con thuộc tập đoàn lớn nhất Thái Lan Charoen Pokphand, đã ra mắt một trang trại chăn nuôi heo sử dụng công nghệ AI tại tỉnh Nakhon Pathom.

Các giám sát viên ngay lập tức được cảnh báo thông qua ứng dụng trò chuyện Line về bất kì hành vi xâm phạm trái phép nào vào cơ sở chăn nuôi trên.

Điều này ngăn người ngoài mang mầm bệnh dưới giày vào trang trại và có thể được sử dụng để theo dõi tình trạng truyền nhiễm bệnh nếu dịch bùng phát, chẳng hạn như dịch tả heo châu Phi đang tàn phá đàn heo khổng lồ của Trung Quốc.

1

Hệ thống trang trại nuôi heo trang bị công nghệ AI của CP Foods. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Hệ thống này còn có thể theo dõi bất kì con heo nào ít ăn hoặc ít di chuyển hơn bình thường. CP Foods đang cân nhắc giới thiệu hệ thống tương tự tại trang trại gia cầm của công ty.

Chi phí lắp đặt rơi vào khoảng 300.000 baht (tương đương 9.900 USD)/50 m2 sẽ được chia đều giữa CP Foods và các nông dân hợp đồng.

“Tôi hi vọng sẽ trang bị hệ thống này tại mọi trang trại công ty có hợp đồng ở Thái Lan trong hai đến ba năm tới”, Giám đốc Điều hành CP Foods – ông Rewat Hathaisattayapong, cho hay.

CP Foods có thể áp dụng hệ thống này tại các trang trại khác của họ trên toàn bộ Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc.

Trung Quốc cũng nổi lên trong lĩnh vực nông nghiệp số

Nông nghiệp kĩ thuật số cũng đang lan rộng ở Trung Quốc. Nhà sản xuất máy bay không người lái XAG đã phát triển một loại máy có thể phun thuốc trừ sâu, rải phân bón và tính toán điều kiện địa lí cùng điều kiện gió để phân bố thuốc hoặc phân bón tối ưu.

Nikkei cho biết XAG cũng sẽ sử dụng AI để xác định thời điểm thích hợp nhất để thu hoạch mùa vụ.

Châu Á là một mắt xích quan trọng trong nhiều chuỗi thực phẩm. Trung Quốc, Việt Nam và Philippines nuôi khoảng một nửa lượng heo trên thế giới, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan sản xuất khoảng 1/5 đàn gà. Hơn một nửa lượng tôm xuất khẩu toàn thế giới đến từ châu Á.

Nông nghiệp và đánh bắt thủy sản thường tụt lại phía sau lĩnh vực sản xuất ở khía cạnh tăng năng suất. Tiến bộ khoa học kĩ thuật có thể giúp ổn định nguồn cung thực phẩm toàn cầu nói chung.

Tuy nhiên, áp dụng công nghệ hiện đại lại quá tốn kém đối với nhiều hộ nông dân nhỏ lẻ. Nếu không còn có thể phụ thuộc vào lao động giá rẻ, Châu Á sẽ trải qua một khoảng thời gian khó khăn để có thể cạnh tranh với các nền kinh tế tiên tiến có nhiều nguồn lực hơn.

Nông dân châu Á cũng đang già đi, đồng nghĩa rằng việc tiếp thu nhiều kiến thức công nghệ có thể là trở ngại đối với họ.

Nguồn: vietnambiz.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *