Probiotic trong nuôi tôm
Chế phẩm sinh học không phù hợp có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều hòa miễn dịch, hoạt động đối kháng mầm bệnh của tôm.
Nuôi trồng thủy sản đã và đang trở thành ngành nông nghiệp phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới. Trong đó, các nước Châu Á đóng góp đến hơn 90% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu. Sản lượng tôm sản xuất là lớn nhất, nhưng khi nghề nuôi tôm mở rộng và phát triển nhanh chóng đã kéo theo nhiều dịch bệnh nguy hiểm xảy ra như đốm trắng, hội chứng tôm chết sớm và hội chứng phân trắng. Cộng thêm nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng nước, đó là những mối đe dọa lớn đến diện tích các khu vực nuôi tôm.
Hiện nay, người nuôi tôm sử dụng rất nhiều chất diệt khuẩn, hóa chất xử lý môi trường để duy trì chất lượng nước nuôi và nhiều loại kháng sinh để ngăn ngừa các bệnh có thể xảy ra. Theo báo cáo có khoảng 19% các trại nuôi tôm ở Việt Nam sử dụng các loại kháng sinh enrofloxacin, ciprofloxacin và oxytetracycline để điều trị hội chứng hoại tử gan tụy và hội chứng tôm chết sớm. Do tác hại của thuốc kháng sinh không phải ai cũng biết nên tình trạng lạm dụng vẫn còn đang tiếp diễn.
Bên cạnh đó, việc sử dụng probiotic cũng đang gia tăng nhanh chóng khi ức chế được sự gây hại của mầm bệnh. Ước tính có tới khoảng 84% người nuôi tôm hiện nay sử dụng probiotic tạt trực tiếp vào nước ao nuôi và 16% sử dụng probiotic trộn chung vào trong thức ăn. Những năm gần đây, nghề nuôi tôm có sản lượng tăng đến 90% khi có sử dụng men vi sinh trong nuôi tôm. Trong đó các vi khuẩn probiotic thường được sử dụng là Lactobacillus acidophilus, Bacillus licheniformis, B. thuringiensis, B. subtilis…
Khi probiotic vào trong đường ruột, đầu tiên chúng sẽ làm thức ăn dễ tiêu hóa hơn bằng cách tiết các vitamin nhóm B, K . Chức năng tiếp theo là cạnh tranh về dinh dưỡng và chỗ bám với các vi sinh vật có hại, từ đó hạn chế được số lượng vi khuẩn gây bệnh cho tôm. Hệ miễn dịch của tôm sẽ liên tục “chống lại” probiotic vì lầm tưởng chúng là mầm bệnh. Và được kích hoạt sang tư thế “sẵn sàng chiến đấu” khi có mầm bệnh thật sự xâm nhập gây bệnh. Những probiotic này nếu được cung cấp trực tiếp vào trong ao, sẽ có khả năng xử lý các chất thải hữu cơ trong nước, duy trì ổn định các thông số chất lượng nước.
Trong hai thập kỷ gần đây, việc sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm ngày càng tăng do nhu cầu tích cực của chúng khi hạn chế được việc sử dụng các phương pháp điều trị hóa học. Tuy nhiên vấn đề lựa chọn chế phẩm sinh học phù hợp là rất quan trọng vì vi khuẩn không phù hợp có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều hòa miễn dịch, hoạt động đối kháng mầm bệnh của tôm. Tính đến nay, vẫn có nhiều nhóm vi khuẩn phù hợp sử dụng như probiotic. Tuy nhiên việc tìm kiếm các loài probiotic mới vẫn không ngừng được triển khai, lý do là một số probiotic hiện tại chỉ có thể cư trú trong cơ thể một số loài thủy sản nhất định chứ không phải là tất cả các loài thủy sản.
Những probiotic có thể chống lại được nhiều vi khuẩn gây hại trong nhóm Vibrio, nhóm vi khuẩn cơ hội nguy hiểm bao gồm một số loài như Vibrio harveyi, V. alginolyticus, V. vulnificus và V. anguillarum. Ngoài ra lượng acid lactic cũng được tăng cường đáng kể để loại bỏ các tác hại của Vibrio. Probiotic sẽ không gây ra dư lượng như thuốc kháng sinh, tuy nhiên hiện việc sử dụng probiotic khá tốn kém so với những hộ nuôi nhỏ lẻ. Do đó việc lựa chọn loại probiotic để sử dụng là cực kỳ quan trọng.
Mỗi dạng chế phẩm sinh học sẽ có một cách sử dụng khác nhau. Thông thường, nếu là chế phẩm sinh học tiêu hóa, thì nên hòa thêm một ít nước rồi trộn vào thức ăn. Nếu là loại chế phẩm có tác dụng xử lý môi trường ở dạng bột, thì ngâm trong nước cộng thêm mật đường và tiến hành sục khí một thời gian để chúng phát triển tăng sinh trước khi cho xuống ao. Nếu ở dạng nước thì có thể sử dụng trực tiếp. Ngoại trừ một số ít loại chế phẩm khuyến cáo chỉ sử dụng lúc trời nắng, còn lại đa số nên sử dụng lúc trời mát. Và nhất thiết không sử dụng chế phẩm sinh học chung với kháng sinh và các loại hóa chất có tính diệt khuẩn.
Nguồn: Theo tepbac.com |