Website của bạn sắp hết hạn, vui lòng nâng cấp để không bị gián đoạn trong quá trình sử dụng.

Nuôi trồng thủy hải sản: Sử dụng thức ăn công nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường

Nuôi trồng thủy hải sản: Sử dụng thức ăn công nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường

Thời gian qua, nhiều người nuôi tôm hùm, cá bớp… sử dụng thức ăn cá tạp làm ô nhiễm môi trường dẫn đến dịch bệnh và bị thiệt hại nặng. Ngành chức năng khuyến cáo, người nuôi thủy hải sản nên sử dụng thức ăn công nghiệp không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giữ trữ lượng cá tạp trong tự nhiên.

Thức ăn cá tạp làm ô nhiễm đầm, vịnh

Theo thống kê của Phòng Kinh tế TX Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), toàn thị xã có trên 436,5ha diện tích ao đìa nuôi trồng thủy sản, trong đó cá mú 81,3ha, ốc hương hơn 52ha, cua 154,5ha và gần 83.500 lồng nuôi tôm hùm. Chỉ tính riêng tại vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu), hiện có gần 40.000 lồng nuôi tôm hùm, với số lồng nuôi như vậy hàng ngày có hàng tấn thức ăn là cá tạp trút xuống vịnh.

Ông Trần Văn Hùng, một người nuôi tôm hùm ở xã Xuân Phương (vùng nuôi vịnh Xuân Đài), cho hay: Trung bình mỗi lồng nuôi 70 con tôm hùm, trọng lượng từ 0,6-0,8kg/con, một ngày cho ăn 7kg mồi nhưng người nuôi luôn cho ăn dư, với khoảng 10kg mồi. Tôm ăn không hết, thải ra vịnh thối rữa, gây ô nhiễm. Riêng khu vực Xuân Phương với gần 1.000 lồng nuôi thì mỗi ngày thải ra khoảng 3 tấn thức ăn thối rữa; cộng với thức ăn nuôi cá mú, cua trong ao đìa nuôi ven bờ xả ra vịnh Xuân Đài, gây ô nhiễm nặng.

Còn tại đầm Cù Mông (TX Sông Cầu), người nuôi tôm hùm, cá mú cũng dùng cá tạp, cua ốc làm thức ăn. Quanh đầm chưa có bãi tập kết vỏ cua, ốc đưa lên bờ nên cứ thế đổ trút xuống vịnh hình thành núi rác. Cộng với thức ăn cá tạp thừa lâu ngày tạo thành lớp bùn hôi thối, gây ra dịch bệnh. Ông Bùi Văn Long, một người nuôi cá mú đầm Cù Mông, cho hay: Trong vòng 3 năm trở lại đây, năm nào cũng xảy ra hiện tượng tôm hùm, cá mú, cua bệnh chết. Cũng vì vậy, giá tôm hạ, tôm bình thường là 1,6 triệu đồng/kg, còn tôm bệnh chỉ còn 600.000 đồng/kg. Cá mú bị bệnh cũng bán đổ bán tháo, người nuôi thiệt hại nặng.

Bà Lê Thị Hằng Nga, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Phú Yên, cho biết: Qua kiểm tra xác định nguyên nhân dẫn đến tôm, cá chết là do môi trường nuôi ô nhiễm, các chỉ số môi trường vượt ngưỡng cho phép. Hầu hết các hộ nuôi tôm hùm, cá mú, cua trên địa bàn TX Sông Cầu sử dụng cá tạp làm thức ăn cho tôm. Trong khi đó, cá tạp thường có chất lượng biến động, không đảm bảo về mặt dinh dưỡng cũng như an toàn về dịch bệnh. Bên cạnh đó nếu không được bảo quản tốt sẽ dễ bị nhiễm khuẩn gây hư thối và biến chất. Ngoài ra, cá tạp thừa do thủy sản nuôi ăn không hết rất dễ phân hủy, nhanh chóng gia tăng các chất độc hại, gây ô nhiễm nguồn nước và phát sinh dịch bệnh cho thủy sản nuôi.

Sử dụng thức ăn công nghiệp

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình sử dụng thức ăn công nghiệp. Theo đó, mô hình nuôi cá chim vây vàng thương phẩm trong lồng, quy mô 200m2 được triển khai tại phường Xuân Đài (TX Sông Cầu). Sau 3 tháng thả nuôi, hiện cá sinh trưởng phát triển tốt, kích cỡ đạt khoảng 160-170g/con, tỉ lệ sống khoảng 80%. Thức ăn công nghiệp sử dụng có độ đạm trên 35%.

Cùng với đó, mô hình nuôi cá mú thương phẩm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, quy mô 3.400m2 được triển khai tại xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu). Sau gần 1 tháng thả nuôi, cá đạt kích cỡ trung bình khoảng 12cm/con, tỉ lệ sống khoảng 95%. Thức ăn sử dụng có độ đạm trên 42%. Còn với mô hình nuôi cá rô đồng, quy mô 5.100m2, triển khai tại xã Hòa Phú (huyện Tây Hòa), sau hơn nửa tháng thả giống thì tỉ lệ sống khoảng 99%, kích cỡ đạt khoảng 5-6 cm/con.

Theo bà Nga, nghề nuôi thủy sản biển đang phát triển mạnh. Do thói quen sử dụng cá tươi làm thức ăn cho tôm, cá nên phần lớn người nuôi hiện nay còn rất e dè khi sử dụng thức ăn viên công nghiệp. Tuy nhiên, nếu so sánh thì thức ăn viên công nghiệp ngoài việc có được thành phần dinh dưỡng chuyên biệt phù hợp cho từng loài nuôi thì còn có nhiều ưu thế vượt trội hơn so với cá tạp. Theo đó, so với cá tạp, thức ăn viên công nghiệp luôn được kiểm soát chặt chẽ về mầm bệnh cũng như đảm bảo ổn định về mặt dinh dưỡng.

Ngoài ra với đặc tính là có độ tiêu hóa cao, ít chất thải và độ bền trong nước tốt, thức ăn viên công nghiệp rất ít gây ô nhiễm môi trường nước, qua đó góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe và kiểm soát tốt dịch bệnh cho thủy sản nuôi. “Việc sử dụng cá tạp làm thức ăn cho thủy sản nuôi đã gián tiếp gây nên sự tận diệt nguồn thủy sản đánh bắt tự nhiên. Sử dụng thức ăn viên công nghiệp thay thế nguồn nguyên liệu biển là một giải pháp tích cực, góp phần giảm áp lực lên việc khai thác quá mức các loài thủy sản biển khơi”, bà Nga nói.

Ông Nguyễn Khắc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: Thức ăn cho động vật thủy sản thường chiếm 35-65% tổng chi phí một vụ nuôi. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu về thức ăn cho động vật thủy sản thì việc lựa chọn và sử dụng thức ăn là vấn đề đáng quan tâm. Các loại thức ăn chính được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản bao gồm thức ăn cá tạp, thức ăn chế biến và thức ăn công nghiệp. Trong đó, việc sử dụng thức ăn công nghiệp trong hoạt động nuôi trồng thủy sản là xu thế tất yếu và thiết thực, khi mà sức ép cho ngành khai thác và trữ lượng cá tạp từ tự nhiên đã giảm sút đáng kể.

Bên cạnh đó, sử dụng thức ăn cá tạp còn là một trong những nguy cơ dẫn đến ô nhiễm môi trường và dịch bệnh trên động vật thủy sản. Hiện tại, trên thị trường có nhiều nhãn hiệu thức ăn công nghiệp được bán để sử dụng cho động vật thủy sản kể cả nước mặn, lợ và ngọt. Tại Phú Yên, các sản phẩm thức ăn công nghiệp dành cho các loại thủy sản như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá mú, cá chim vây vàng, cá nước ngọt da trơn, cá nước ngọt có vảy tương đối đa dạng.

MẠNH LÊ TRÂM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *