Website của bạn sắp hết hạn, vui lòng nâng cấp để không bị gián đoạn trong quá trình sử dụng.

Khoa học công nghệ: NỀN TẢNG THEN CHỐT NGÀNH THỦY SẢN

Khoa học công nghệ: NỀN TẢNG THEN CHỐT NGÀNH THỦY SẢN

Ông Nguyễn Văn Năm, PCT hội nghề cá việt nam, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Hóa Sinh Việt Nam: Doanh nghiệp cần có tư duy  của các nhà khoa học

Giá trị mà KHCN mang lại cho các doanh nghiệp và người sản xuất là rất lớn và rõ nét; nên các doanh nghiệp phải có tư duy của nhà khoa học và nhà khoa học có tư duy của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế; sự phối hợp này cần thực hiện hiệu quả và là chìa khóa cho sự phát triển; bởi, nếu không có đổi mới khoa học công nghệ trong sản xuất thì chắc chắn sẽ bị tụt hậu. Doanh nghiệp muốn phát triển theo xu thế hiện nay thì luôn phải có phòng nghiên cứu phát triển, để tạo ra những sản phẩm đáp ứng được thực tiễn sản xuất ngày một khó khăn hơn, cùng với áp lực cạnh tranh, nâng cao năng suất; đồng thời, cần liên tục thay đổi, áp dụng ngày một sâu rộng hơn những thành tựu của KHCN hiện nay. Nhưng thực tế hiện nay, trong quá trình đưa sản phẩm KHCN ra thị trường đang gặp khó ở khâu hậu kiểm; khi mà Nhà nước trao quyền cho các phòng kiểm nghiệm trong việc kiểm định sản phẩm nhưng không theo quy chuẩn Việt Nam hoặc quốc tế, mà theo quy định của các cơ sở này; trong khi, những phương pháp này lại không được công bố rộng rãi, nên phía doanh nghiệp không thể hiểu được cách thức có chuẩn xác không. Khắc phục điều này, thì các phương pháp kiểm nghiệm phải được thông tin rộng rãi để các doanh nghiệp áp dụng vào tại các phòng kiểm nghiệm của doanh nghiệp để sản phẩm đầu ra chuẩn xác hơn. 

 

TSVN319 61Ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học: Công nghệ HTQT Tăng cường giải pháp  ứng dụng KHCN

Trong định hướng phát triển ngành NTTS có đề cập đến việc áp dụng KHCN, thành tựu cuộc cách mạng 4.0 để giảm giá thành, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn sinh học. Theo đó, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích đổi mới công nghệ trong sản xuất trong đó có hai nhóm chính sách chính về đầu tư tăng cường tiềm lực KHCN và thực hiện hoạt động nghiên cứu, chuyển giao KHCN. Về hoạt động ứng dụng KHCN trong NTTS, thời gian qua, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản đã nghiên cứu chuyển giao KHCN theo định hướng tập trung, trọng điểm; thực hiện công nhận các tiến bộ kỹ thuật theo định hướng để áp dụng vào thực tiễn (như: nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm bằng nước biển ven bờ, nuôi tôm công nghệ biofloc, sản xuất giống và nuôi thương phẩm ngao, nuôi cá chim vây vàng, phòng trị bệnh tôm hùm…). Kế hoạch trong thời gian tới, sẽ xây dựng KHCN giai đoạn 2021 – 2025 lấy doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo theo 4.0, trọng điểm ứng dụng 4.0; rà soát và công nhận các tiến bộ kỹ thuật theo định hướng các đối tượng chủ lực để áp dụng vào thực tiễn; mở rộng cơ chế hợp tác công tư để tuyên truyền, nhân rộng việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Cùng đó, phát huy các nguồn lực để phát triển KHCN trong NTTS thông qua việc nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới; phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội để đạt hiệu quả hơn.

TSVN319 59

Khu nuôi tôm công nghệ cao tại Bạc Liêu – Ảnh: Phan Thanh Cường

 

TSVN319 62Ông Phan Thanh Lâm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS II: Cơ chế quản lý cần thông thoáng hơn

Thời gian qua, Viện Nghiên cứu NTTS II đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp để thực hiện các nghiên cứu về KHCN. Điển hình như “Ứng dụng công nghệ micro-nano bubble ôxy gen trong ương cá tra từ bột đến hương” hay “Ứng dụng hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước phục vụ nuôi TTCT thâm canh ở Bến Tre”. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, mặc dù các doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác nhưng vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong giai đoạn thanh, quyết toán. Vì vậy, ngoài chính sách thu hút doanh nghiệp thì thời gian tới, cơ chế quản lý cần thông thoáng hơn, có thể thực hiện hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc phương pháp nào khác để đơn giản hóa quy trình cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng cần xem xét có diễn đàn riêng cho những doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ để lắng nghe ý kiến và giải đáp thắc mắc về ứng dụng KHCN trong NTTS, từ đó mới có thể thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào công tác sản xuất. 

 

TSVN319 63Ông Nguyễn Minh Hậu, Giám đốc Kỹ thuật Tập đoàn Việt – Úc: Tăng cường ứng dụng,  nâng cao giá trị

Trải qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Việt – Úc là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất. Điển hình là việc áp dụng máy cho ăn tự động, giúp giảm hao hụt thức ăn, hệ số FCR giảm, giảm chi phí xử lý môi trường nước, giảm liều lượng vi sinh, từ đó giảm giá thành. Hay công nghệ nuôi tôm bằng nhà màng và mới đây, Việt – Úc đang thử nghiệm nuôi tôm bằng nhà bong bóng với chi phí giảm, thích ứng với thời tiết hơn. Toàn bộ diện tích nuôi tôm của Tập đoàn là không sử dụng hóa chất, kháng sinh, ứng dụng công nghệ xử lý nước bằng UV, cho hiệu quả cao, sản lượng tăng trưởng. Ngoài ra, Việt – Úc cũng hợp tác với chuyên gia nước ngoài sản xuất cá tra giống tạo nguồn cá giống hoàn toàn sạch các bệnh thường gặp, tỷ lệ tăng trưởng nhanh (chương trình được thiết kế để mỗi thế hệ tăng tỷ lệ tăng trưởng khoảng 8 – 10%); tỷ lệ sống được cải thiện 5 – 10% qua từng thế hệ; đặc biệt tăng tính thích nghi với sự thay đổi của môi trường và điều kiện thổ nhưỡng của địa phương; cải thiện màu thịt qua mỗi thế hệ từ thịt có % cơ đỏ nhiều chuyển qua thịt có % cơ trắng nhiều hơn, tăng chất lượng thịt cao hơn.

 

TSVN319 64Ông Ngô Hùng Dũng, Công ty CP  Thủy sản Tân An (Quảng Ninh):  Doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư  công nghệ vào sản xuất

Đầu tư KHCN trong NTTS hiện nay rất quan trọng, bởi biến đổi khí hậu ngày một rõ nét, môi trường, dịch bệnh tác động lớn đến sản xuất; từ thực tế đó, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư công nghệ cao trong nuôi tôm và thấy rõ hiệu quả trong việc giảm chi phí sản xuất, người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm có chất lượng tốt. Tân An đang áp dụng mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn trên diện tích 15 ha/40 ha, năng suất 180 tấn/ha, gấp 5 lần so mô hình nuôi truyền thống, hiệu quả kinh tế lớn; theo đó, đã nhân rộng mô hình trên diện tích của Công ty và truyền tải kinh nghiệm cho các hộ nuôi. Tuy nhiên, việc áp dụng KHCN vào sản xuất là từ phía doanh nghiệp nên còn gặp nhiều hạn chế về kinh nghiệm trong quá trình xử lý các vấn đề phát sinh về môi trường; cùng đó, chính sách từ phía Nhà nước còn hạn chế để người nuôi và doanh nghiệp tiếp cận được như vấn đề về tài sản trên đất, thủ tục hành chính… Phía các doanh nghiệp rất mạnh dạn đầu tư nhưng cũng cần có những chính sách hỗ trợ rõ ràng, bởi, khi đầu tư nhiều tài sản nhưng tài sản này lại không thể thế chấp ngân hàng để có nguồn vốn phục vụ mở rộng sản xuất, chính vì đó, giá thành sản xuất tăng cao; theo đó, Nhà nước cần công nhận tài sản trên đất của doanh nghiệp và hộ dân giúp họ tiếp cận nguồn vốn cho sản xuất.

 

TSVN319 65Ông Lê Văn Việt, Giám đốc HTX SX&TM Xuyên Việt (Hải Dương):  Công nghệ mang lại thành công

Hiện nay, HTX Xuyên Việt đang áp dụng các công nghệ như ao nổi, sông trong ao, biofloc trong nuôi cá rô phi với mục tiêu là sản xuất theo hướng hàng hóa mang tính tập trung, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đặc biệt với mô hình sông trong ao, hiện đã được phát triển tại nhiều địa phương trong cả nước, nâng cao năng suất tới 120 – 150 tấn/ha/năm, cải thiện môi trường, tiết kiệm nước, chi phí nuôi giảm; cùng đó, mô hình áp dụng việc quản lý quan trắc môi trường tự động. HTX cũng ứng dụng công nghệ biofloc từ năm 2018, đây là mô hình nuôi thân thiện môi trường, tái sử dụng nguồn thức ăn, chất dinh dưỡng cho vật nuôi, hạn chế hoặc không cần thay nước trong suốt quá trình nuôi, duy trì chất lượng nước từ đó giúp kiểm soát một cách hiệu quả các bệnh trong hệ thống ao nuôi. Hiện nay, Xuyên Việt đang kết hợp với Thăng Long triển khai mô hình ương và nuôi cá giống trên cao theo công nghệ khép kín, giúp giải quyết vấn đề nguồn giống, dịch bệnh và thị trường tiêu thụ.

Nguyễn Chi – Kim Tiến (Ghi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *